Không chỉ quan tâm tới lĩnh vực bán lẻ, ngân hàng, mà nhiều DN Thái Lan đã và đang bước chân vào ngành nhựa Việt Nam. Thực tế cho thấy chưa bao giờ ngành này phải đứng trước nguy cơ bị thâu tóm lớn như hiện nay, đặc biệt là với làn sóng mua bán – sáp nhập (M&A) đến từ các nhà đầu tư Thái Lan.
Mới đây, công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS) đã đưa ra một báo cáo Tổng quan về ngành nhựa. VCBS đánh giá, ngành nhựa Việt Nam còn khá non trẻ so với các ngành công nghiệp khác nhưng đã có sự phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây với tốc độ tăng trưởng trung bình 15-18%/năm.
Theo VCBS, tiềm năng của ngành nhựa còn rất lớn, với chỉ số tiêu thụ nhựa bình quân đầu người của Việt Nam chỉ mới đạt mức 41 kg/năm, còn khá thấp so với mức bình quân của châu Á là 48kg/năm và của thế giới là 70kg/năm.
Loay hoay bài toán nguyên liệu
Hiện có hơn 2.000 DN hoạt động trong ngành nhựa, trong đó khoảng 84% tập trung ở miền Nam, khu vực miền Bắc với khoảng 14% DN hoạt động. Do đó, cạnh tranh mạnh nhất là khu vực phía Nam. Nhựa bao bì vẫn là mảng chiếm tỷ trọng cao nhất trong ngành nhựa, với tỷ lệ lên đến 37,4% trong năm 2015. Với bốn phân khúc nhỏ hơn, sản phẩm ngành nhựa bao bì rất đa dạng, do đó việc cạnh tranh không diễn ra một cách trực tiếp.
Tuy nhiên, với việc quy định áp thuế nhập khẩu hạt nhựa PP 3% bắt đầu từ năm 2017, các DN trong phân ngành sản xuất bao bì xây dựng và bao bì thực phẩm sẽ có khả năng chịu áp lực cạnh tranh từ các đối thủ ngoại.
Có thể thấy, khi mà các DN nội còn đang loay hoay với bài toán chi phí nguyên liệu đầu vào thì các DN nhựa các nước đã và đang mang sản phẩm hoàn chỉnh sang cạnh tranh ngay tại Việt Nam.
Thực tế, DN Việt đang phải cạnh tranh với sản phẩm ngoại nhập (đặc biệt là từ các doanh nghiệp Trung Quốc) trên sân nhà. Hàng nhập khẩu Trung Quốc với mẫu mã phong phú, đa dạng nên đang chiếm thị phần lớn trên thị trường Việt Nam, thị trường thanh profile (hàng nhập khẩu chiếm đến 60%).
Trong khi đó, thách thức lớn nhất đối với ngành nhựa Việt Nam hiện nay là năng lực thực tế còn thấp so với ngành nhựa của các nước trên thế giới và trong khu vực.
Các DN đến từ Thái Lan, Nhật Bản và Hàn Quốc đã tạo nên làn sóng thâu tóm các DN nhựa tại Việt Nam |
Nguyên liệu nhập khẩu đến 85%, thiết bị, khuôn mẫu phần lớn phải nhập khẩu từ nước ngoài, cán bộ kỹ thuật và công nhân lành nghề còn thiếu. VCBS cảnh báo, ngành nhựa sẽ đối mặt với cạnh tranh khốc liệt ngay trên sân nhà và thách thức từ sự tham gia của các DN ngoại.
Các DN đến từ Thái Lan, Nhật Bản và Hàn Quốc đã tạo nên làn sóng thâu tóm các DN nhựa tại Việt Nam. Nổi bật phải kể đến tập đoàn SCG đến từ Thái Lan, tập đoàn này đang nối dài cánh tay của mình ở thị trường Việt Nam thông qua hàng loạt thương vụ mua bán, sáp nhập.
Đối với phân khúc bao bì nhựa, SCG đã chi 44 triệu để thâu tóm bao bì Tín Thành (Batico), một trong 5 DN lớn nhất ngành bao bì nhựa. Công ty Nhựa Tín Thành cũng đã bất ngờ bán lại 80% cổ phần cho Tập đoàn SCG với giá 44,4 triệu USD. Không chỉ vậy, SCG còn thâm nhập sâu vào ngành nhựa xây dựng Việt Nam khi sở hữu 23,8% cổ phần tại Nhựa Tiền Phong và 20,4% tại Nhựa Bình Minh.
Nhà đầu tư ngoại nhòm ngó
Tính đến thời điểm này, SCG đã chi khoảng 121 triệu USD đầu tư vào 7 DN nhựa Việt Nam. Ngoài ra, SCG còn nắm giữ cổ phần tại một số công ty chuyên sản xuất nhựa gia dụng, bao bì khác như Liên doanh Việt – Thái Plastchem, công ty nhựa và Hóa chất TPC Vina, công ty Chemtech và công ty Vật liệu nhựa Minh Thái.
Đối với hai ông lớn ngành nhựa là nhựa Bình Minh (BMP) và nhựa Tiền Phong (NTP), với kế hoạch thoái vốn cổ phần của SCIC mà chính phủ đã phê duyệt, khả năng cao tập đoàn SCG sẽ gia tăng sở hữu tại hai DN này.
Trong đại hội cổ đông thường niên năm 2016, BMP đã được chấp thuận để nới room cho nhà đầu tư nước ngoài lên 100% và HĐQT đã thống nhất nới room trong năm nay.
Tuy nhiên, trong điều lệ công ty của BMP vẫn bao gồm một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện, do đó quá trình nới room phức tạp hơn các trường hợp khác. Mặc dù vậy, theo dự báo của VCBS, kế hoạch này sẽ sớm hoàn tất và khả năng SCG tiếp tục gia tăng sở hữu tại BMP là có thể xảy ra.
Còn đối với NTP, room nước ngoài hầu như không kín, chủ yếu là SCG nắm giữ gần 24%, phần lớn là do tỷ lệ nắm giữ lớn của các cổ đông nội bộ và cổ đông lớn nhất là SCIC với tỷ lệ sở hữu 37,1%.
Nếu NTP chấp nhận nới room khối ngoại lên 100% như BMP thì khả năng sáp nhập là khá cao, và với vị thế của hai DN đầu ngành này, người Thái chắc hẳn phải chấp nhận trả một cái giá cao hơn so với thị giá của cổ phiếu.
Ngoài ra, sự thâu tóm của DN Thái Lan trong ngành nhựa không thể không kể tới cái tên- Srithai Superware PLC (một DN nhựa Thái Lan) – đã và đang đầu tư hàng loạt nhà máy tại Việt Nam để sản xuất đồ nhựa gia dụng.
Có mặt tại Việt Nam gần 20 năm, Srithai Superware PLC liên tục tăng vốn đầu tư từ 4 triệu USD lên đến 20 triệu USD để mở rộng ba nhà máy ở khu công nghiệp Sóng Thần, tỉnh Bình Dương và đang tiến hành thủ tục xin thuê đất 50 năm mở thêm các nhà máy ở miền Bắc.
Điều này cho thấy, mạnh về tiềm lực tài chính là điều kiện tiên quyết để các ông chủ Thái Lan chiếm lĩnh mạnh thị trường nhựa Việt Nam. Một DN ngành nhựa mất 20 năm để xây dựng và trưởng thành thì thông qua việc mua bán sáp nhập, DN Thái đã rút ngắn còn 6 tháng đến 1 năm và họ có ngay chỗ đứng vững mạnh tại thị trường Việt Nam.
Nhà đầu tư Hàn Quốc và Nhật cũng ưa thích thị trường nhựa Việt Nam. Tiêu biểu, công ty Oji Holding Corporation của Nhật đã mua công ty Bao Bì United, hay Sagasiki Vietnam mua công ty Cổ phần In và Bao bì Goldsun.
Gần đây, một tổ chức đầu tư của Nhật là RISA Partners cũng ngỏ ý muốn đầu tư vào công ty Nhựa dân dụng Đông Á. Tập đoàn Hàn Quốc Dongwon Systems cũng đã mua lại cùng lúc hai doanh nghiệp lớn là Bao Bì nhựa Tân Tiến và Bao Bì nhựa Minh Việt – vốn là công ty bao bì thuộc Masan Group.
Có thể nhận thấy rằng các DN ngoại này thường lựa chọn cách thức liên doanh để góp vốn và tạo ảnh hưởng lên thị trường thay vì phải xây dựng thương hiệu từ đầu.
Ông Hồ Đức Lam - Chủ tịch Hiệp hội Nhựa Việt Nam -------------------------------
Nhà đầu tư Thái đang có trào lưu đổ vốn vào Việt Nam, trong đó tập trung nhiều vào ngành nhựa. Khi đến Việt Nam làm ăn, họ liên kết chặt chẽ với nhau, không chỉ tập trung sản phẩm đầu cuối mà còn sản xuất nguyên phụ liệu, khép kín từ đầu vào cho đến đầu ra, gây sức ép lớn đối với DN nội địa. Nhiều thương hiệu lớn trong ngành nhựa đã lần lượt về tay người nước ngoài, DN nào không bán thì phải cạnh tranh gay gắt và đứng trước nguy cơ thua thiệt, bị đẩy ra khỏi sân chơi hội nhập.
Ông Trịnh Chí Cường - Tổng Giám đốc CTCP Nhựa Đại Đồng Tiến
-------------------------------
Ngành nhựa ở một số quốc gia trong khu vực ASEAN đã có trình độ sản xuất cao hơn nước ta, như Thái Lan hướng tới sản xuất các sản phẩm nhựa công nghệ sinh học, thân thiện với môi trường; Malaysia là nơi cung cấp màng kéo nhựa polyetylen.
Ông Lê Đăng Doanh - Chuyên gia kinh tế------------------------------- Đối với các nhà đầu tư Thái Lan, Việt Nam được xác định là điểm đến hấp dẫn nhất. 5 năm trở lại đây, tốc độ đầu tư của người Thái vào thị trường Việt Nam đang tăng vùn vụt. Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) là cơ hội để Thái Lan thâm nhập sâu vào Việt Nam – một thị trường đang phát triển với lợi thế chi phí nhân công rẻ, lao động dồi dào và là một thị trường tiêu thụ đầy hứa hẹn với dân số 92 triệu người. |
Lê Thuý
Theo ThoiBaoKinhDoanh
EmoticonEmoticon