Theo
Hiệp hội Nhựa Việt Nam (VPA), trong giai đoạn 2010-2015, ngành nhựa là một
trong những ngành công nghiệp có mức tăng trưởng cao nhất tại Việt Nam, chỉ sau
viễn thông và dệt may.
Theo đánh giá của
VPA, kim ngạch xuất khẩu ngành nhựa từ năm 2010 đến năm 2015 liên tục tăng trưởng
mạnh từ 16%-18%/năm. Trong đó có những mặt hàng nhựa có tốc độ tăng trưởng đạt
gần 100%. Với mức tăng trưởng như vậy, ngành nhựa được đánh giá lá một trong những
ngành năng động, mũi nhọn của Việt Nam. Hiện nay, sản phẩm nhựa của Việt Nam đã
xuất khẩu đến 159 thị trường trên thế giới.
Theo thống kê của VPA, hiện có khoảng 2.000 doanh nghiệp tham gia ngành nhựa, sử dụng hơn 200.000 lao động, đa số tập trung ở TP. Hồ Chí Minh (chiếm 84%). |
Tuy nhiên, dù có sự
phát triển mạnh trong những năm gần đây nhưng ngành nhựa chủ yếu vẫn chỉ được
biết đến như một ngành kinh tế kỹ thuật về gia công chất dẻo, vì phải nhập khẩu
đến 80% nguyên liệu. Hiện mỗi năm ngành nhựa cần 3,5 triệu tấn các loại nguyên
liệu đầu vào chưa kể hàng trăm hóa chất phụ trợ khác trong khi khả năng trong nước
chỉ đáp ứng gần 900.000 tấn nguyên liệu và hóa chất phụ gia cho nhu cầu.
Dự báo đến năm 2020,
doanh nghiệp ngành nhựa Việt Nam sẽ cần khoảng 5 triệu tấn nguyên liệu để phục
vụ cho hoạt động sản xuất. Tuy nhiên, năng lực cung ứng đầu vào thấp, công nghiệp
hỗ trợ ngành nhựa chưa phát triển. Hàng năm các doanh nghiệp phải nhập khẩu
70%-80% nguyên liệu đầu vào làm giảm sức cạnh tranh, doanh nghiệp xuất khẩu khó
tận dụng được ưu đãi thuế do quy định liên quan đến xuất xứ hàng hóa.
Kỳ vọng lớn nhất cho
ngành sản xuất nhựa Việt Nam vẫn là 3 hiệp định thương mại tự do: Hiệp định Thương
mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định Đối tác Chiến lược
xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực
(RCEP). Theo đó, sản phẩm Việt Nam sẽ tăng khả năng cạnh tranh khi xuất khẩu
sang những thị trường trên nhờ được giảm thuế còn từ 5% đến 0%.
Bên cạnh đó, nhờ mức
tăng trưởng cao, với cơ hội mang lại từ hội nhập, đặc biệt là được hưởng nhiều
lợi thế từ TPP đang khiến các doanh nghiệp ngành nhựa Việt Nam trở nên hấp dẫn
trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài.
Tại buổi hợp giới thiệu
về Hội chợ K 2016, do Phòng Công Nghiệp và Thương Mại Đức (GIC/AHK Vietnam) phối
hợp với Messe Duesseldorf; Hiệp hội nhựa Việt Nam tổ chức ngày 02/03/2016, ông
Hồ Đức Lam, Chủ tịch VPA cho biết, thời gian qua, có nhiều doanh nghiệp nước
ngoài đã mua lại các công ty nhựa của Việt Nam, nhiều trường hợp không chỉ tham
gia cổ phần theo dạng đầu tư, mà còn mua 100% để tham gia chi phối.
Có thể kể một số cái
tên đã bán 100% cho đối tác Thái Lan, Nhật, Hàn Quốc, như: Công ty Nhựa Batico,
Công ty cổ phần Nhựa bao bì Sài Gòn, Công ty cổ phần Nhựa bao bì Tân Tiến...
Theo phân tích của
ông Lam, ngành nhựa trong nước có mức độ tăng trưởng từ 16-18% mỗi năm, đây là
mức tăng trưởng cao chỉ sau ngành viễn thông và may mặc. Nếu năm 1990, sản phẩm
nhựa trên đầu người chỉ đạt 3,8 kg/năm, thì 2015 đã tăng lên 41 kg/năm. Con số
này vẫn còn thấp hơn gần một nửa so với các nước trong khu vực, như Thái Lan chẳng
hạn.
Theo Lê Vân
EmoticonEmoticon