Giới chuyên gia đã chỉ ra biến động có thể đẩy giá dầu thô thế giới tăng mạnh, trong thời điểm giá trị của "vàng đen" đang giảm còn gần 30 USD/thùng - thấp nhất trong 12 năm qua.
Giáo sư Hossein Askari tại Đại học George Washington cho rằng cuộc đối đầu quân sự trực diện giữa Iran và Ả Rập Xê-Út sẽ làm gián đoạn nguồn cung và gây ra những tác động có thể dự đoán được đối với giá dầu .
"Nếu cuộc chiến giữa Iran và Ả Rập Xê-Út xảy ra, thì trong một đêm, giá dầu có thể lên mức hơn 250 USD, nhưng rồi lại giảm xuống mức 100 USD.
Nếu họ tấn công vào các khu vực bốc dỡ hàng của nhau, thì chúng ta có thể thấy giá dầu tăng vọt lên 500 USD và giữ ở mức này trong một khoảng thời gian, tùy thuộc vào mức độ thiệt hại".
Đồng tình với quan điểm trên, song ông Gerald Celente giám đốc Viện Nghiên cứu Xu hướng (Mỹ) lại dự đoán mức "khiêm tốn" hơn.
"Xem xét bất ổn về địa chính trị leo thang ở Trung Đông, nếu một cuộc chiến nổ ra, bất ổn xã hội tiếp tục gia tăng trong cuộc đối đầu giữa người Sunni - Shia - đã mở rộng ra thành căng thẳng giữa Iran - Ả Rập Xê-Út, giá dầu có thể tăng vọt lên hơn 60 USD/thùng.
Tuy nhiên, theo cây viết bình luận James Stafford, hiện cuộc chiến Iran-Ả Rập chỉ mang tính suy đoán, khó có khả năng xảy ra, cho dù quan hệ song phương đã trở nên tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ và trở thành "cuộc đối đầu công khai tranh giành quyền lực ở Trung Đông".
Ông Stafford cho rằng, Ả Rập Xê - Út có rất nhiều lý do để không nhượng bộ Iran.
Cựu Đại sứ Anh ở Ả Rập Xê Út, ông John Jenkins đã chỉ ra những mối đe dọa đối với Riyadh ở mọi "ngóc ngách": khủng bố tại quê nhà, một Iran đang vươn lên, các đồng minh bị lật đổ sau Mùa xuân Ả Rập, giá dầu thấp, mối quan hệ với Mỹ đang rạn nứt.
Thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và phương Tây lại càng khiến Ả Rập Xê-Út cảm thấy không an toàn.
Trong khi đó, Các đồng minh Sunni của Ả Rập Xê-Út tại bán đảo Ả Rập đã lạnh nhạt hơn với Iran chứ không hoàn toàn cắt đứt quan hệ ngoại giao với quốc gia này.
Thậm chí, một số quốc gia như Kuwait hay Qatar thậm chí còn tỏ ra lo ngại rằng tình hình có thể trở nên bất ổn hơn nữa, bởi họ cũng có mối liên hệ về thương mại với Iran.
Qatar không chỉ có chung biên giới trên biển với Iran mà còn đang được quyền tiếp cận với trữ lượng khí đốt tự nhiên tại Vịnh Ba Tư.
Trước đây, căng thẳng địa chính trị tại Trung Đông, đặc biệt là liên quan tới các nhà sản xuất dầu mỏ lớn, thường sẽ đẩy giá dầu tăng lên vài USD bởi gián đoạn về nguồn cung. Tuy nhiên, điều đó hiện nay không còn đúng nữa, do nguồn cung đang dư thừa trên toàn cầu.
Ả Rập Xê-Út từ chối cắt giảm sản lượng dầu thô, Iraq và Iran thì tiếp tục tăng sản lượng. Mỹ đã thông qua dự luật dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu dầu mỏ, vốn tồn tại suốt 40 năm nay.
Ông Michael T. Klare, Giáo sư Nghiên cứu an ninh thế giới và hòa bình tại Đại học Hampshire (Mỹ) nhận định, giá dầu giảm đang ảnh hưởng tới các "ông lớn" dầu mỏ và các doanh nghiệp phụ trợ, đe dọa làm suy yếu nền kinh tế các nước sản xuất dầu lớn.
Nó còn có thể "làm rung chuyển mạnh mẽ" trật tự chính trị thế giới.
Theo ông, có 3 trường hợp giá dầu sẽ "đảo chiều": Cuộc chiến tranh ở Trung Đông nổ ra, gạt bỏ được một hoặc nhiều hơn thế các nhà cung cấp năng lượng lớn, quyết định hạn chế sản xuất để đẩy giá của Ả Rập Xê-Út hoặc nhu cầu dầu mỏ toàn cầu bất ngờ tăng vọt.
Các học giả Mỹ dự báo, sự sụt giảm của giá dầu sẽ còn có thể kéo dài tới năm 2020 và xa hơn thế.
Theo Trí Thức Trẻ
EmoticonEmoticon