Không chỉ đưa hàng hóa tràn
vào Việt Nam, các DN Thái Lan còn đang và sẽ thực hiện nhiều thương vụ mua
bán-sáp nhập nhằm thâu tóm các DN nhựa trong nước, buộc DN nội phải bước vào
một cuộc đấu vô cùng khốc liệt để giành thị phần trên chính sân nhà của mình.
Toan tính của các ông chủ Thái
Hình ảnh quen thuộc vào mỗi kỳ hội chợ
hàng Thái Lan ở TPHCM đó là rất đông người tiêu dùng Việt Nam đến tham quan và mua sắm. Trong những giỏ
hàng người người xách về là khá nhiều sản phẩm nhựa gia dụng.
Thực ra, các sản phẩm nhựa gia dụng Thái Lan đã vào thị trường Việt Nam được
khá lâu và trong nhận thức của nhiều người tiêu dùng, hàng nhựa gia dụng Thái
Lan mẫu mã đa dạng, bắt mắt, chất lượng tốt, giá cả cũng không quá cao.
Điều này cũng được bà Huỳnh Thị Mỹ, Tổng
thư ký Hiệp hội Nhựa Việt Nam, thừa nhận: “DN nhựa gia dụng trong nước hiện
đang chiếm lĩnh thị phần nhóm hàng trung bình khá trở
xuống. Tuy nhiên, việc người tiêu dùng chuyển hướng sang lựa chọn hàng nhập
khẩu cao cấp khi kinh tế phát triển hơn là hoàn toàn có thể”.
Tuy nhiên, sự hiện diện ngày càng nhiều
của hàng nhựa gia dụng Thái Lan ở thị trường Việt Nam chỉ là phần nổi của cuộc
chiến giữa DN nội và DN Thái Lan. Đàng sau đó là những chiến lược đầu tư mạnh
mẽ với những con số khủng, cũng như những thương vụ mua bán-sáp nhập đang được
các ông chủ Thái âm thầm thực hiện.
Mạnh về tiềm lực tài chính đang trở
thành điều kiện tiên quyết để các ông chủ Thái Lan chiếm lĩnh thị trường.
Tập đoàn SCG hiện đang là một trong
những cái tên gây chú ý nhất trong những thương vụ mua bán-sáp nhập tại Việt
Nam, trong đó không thể không nói đến những thương vụ đình đám trong ngành nhựa. Hồi tháng 7, thông qua công ty con là Công ty Nhựa TC Flexible
Packaging (TCFP), SCG đã hoàn tất thương vụ mua lại 80% cổ phần của CTCP Bao bì
nhựa Tín Thành (Batico) với giá 1,5 tỷ baht (khoảng 44,4 triệu USD).
Batico thuộc top 5 DN lớn nhất Việt Nam
trong lĩnh vực sản xuất sản phẩm bao bì, với công suất 230 triệu m2/năm. Với
việc thâu tóm DN này, SCG đã nâng số lượng nhà mày sản xuất bao bì nhựa mềm
phức hợp lên con số 4, trong đó có 2 nhà máy tại Việt Nam.
Trước đó, SCG đã lần lượt tiến hành mua
20,4% cổ phần của CTCP Nhựa Bình Minh (BMP) và 23,84% cổ phần của CTCP Nhựa
Thiếu niên Tiền Phong (NTP). BMP và NTP hiện đang chiếm đến 50% thị trường ống
nhựa xây dựng tại Việt Nam. Ngoài ra, SCG hiện còn đang nắm giữ cổ phần tại 4
DN nhựa khác tại Việt Nam là: Công ty TNHH Liên doanh Việt - Thái Plastchem,
Công ty TNHH Nhựa và Hóa chất TPC Vina, Công ty TNHH Chemtech, CTCP TNHH Vật
liệu nhựa Minh Thái.
Không đẩy mạnh theo hướng mua bán-sáp
nhập, nhưng một đại gia khác trong ngành nhựa Thái Lan lại đang đẩy mạnh đầu tư
các nhà máy tại Việt Nam là Srithai Superware PLC. DN này, với sản phẩn chính
là đồ nhựa gia dụng và sơn, đã có 19 năm đầu tư kinh doanh ở Việt Nam, với tổng
vốn đầu tư từ mức gần 4 triệu USD hiện đã tăng lên 20 triệu USD với 3 nhà máy ở
khu công nghiệp Sóng Thần, tỉnh Bình Dương và đang tiến hành thủ tục xin thuê
đất 50 năm mở thêm các nhà máy ở miền Bắc Việt Nam. Mạnh về tiềm lực tài chính
đang trở thành điều kiện tiên quyết để các ông chủ Thái Lan chiếm lĩnh mạnh thị
trường nhựa Việt Nam. Và trong cuộc chiến ấy, DN Việt Nam phải làm gì?
DN Việt phải tìm hướng đi
Trong nhiều lần trò truyện với ĐTTC, ông
Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TPHCM, khi bàn đến câu chuyện đầu tư
thiết bị, công nghệ hiện đại để sản xuất ra những sản phẩm cạnh tranh tại thị
trường nội địa cũng như xuất khẩu luôn nói đến câu chuyện của nhựa Duy Tân.
Tuy nhiên, những DN có thể làm như Duy
Tân hiện nay không nhiều. Bởi hiện nay trong số khoảng 300 DN đang sản xuất mặt
hàng nhựa tiêu dùng chỉ khoảng 10 DN có quy mô sản xuất lớn, đầu tư chuyên sâu,
có sản phẩm đáp ứng được nhu cầu và thị hiếu người tiêu dùng khu vực các thành
phố lớn.
Đây hẳn là một thị trường rộng lớn,
nhưng ai sẽ chiếm lĩnh thị trường này vẫn chưa thể đưa ngay ra câu trả lời.
Nhìn rộng ra toàn ngành nhựa, theo nhận
định của TS. Đinh Thế Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế ứng dụng TPHCM,
yếu điểm lớn nhất của ngành nhựa Việt Nam là công nghệ sản xuất lạc hậu. Do sản
phẩm của Việt Nam đứng ở phân khúc thấp, nên các DN ít chú trọng đến việc đầu
tư công nghệ, máy móc hiện đại. Điều này làm giảm sức cạnh tranh của sản phẩm
nhựa Việt Nam trên thị trường.
Trong khi DN nhựa Việt Nam đang loay
hoay với mớ công nghệ lạc hậu, thì đối thủ nặng ký Thái Lan đã đón đầu xu hướng
tiêu dùng của thế giới bằng cách hướng tới sản xuất các sản phẩm nhựa công nghệ
sinh học, thân thiện với môi trường. Hay ngành nhựa của Malaysia là nhà cung
cấp hàng đầu màng kéo nhựa polyetylen của khu vực châu Á-Thái Bình Dương…
Không chỉ lạc hậu về công nghệ mà việc
phụ thuộc đến 80% nguyên liệu nhập khẩu cũng sẽ khiến các DN nội khó chủ động
trong cạnh tranh, đặc biệt khi có những biến động tỷ giá như thời gian vừa qua.
Nhìn lại thị trường nội địa, mức tiêu
thụ nhựa bình quân trên đầu người tại Việt Nam tăng nhanh qua các năm. Nếu như
năm 1989 chỉ ở mức 1kg/năm, thì đến năm 2008 đã đạt 22kg/năm và năm 2010 là
30kg/năm, năm 2013 là 35kg/năm. Và theo dự báo của các chuyên gia ngành nhựa,
mức tiêu thụ của người dân sẽ tăng lên 45kg vào năm 2020.
Đây hẳn là một thị trường rộng lớn,
nhưng ai sẽ chiếm lĩnh thị trường này vẫn chưa thể đưa ngay ra câu trả lời. Bài
toán “công nghệ hiện đại để tạo ra các sản phẩm giá trị cao hơn với chi phí sản
xuất thấp để cạnh tranh tại thị trường nội địa và quốc tế” sẽ đòi hỏi các DN
phải đi tìm câu trả lời cho riêng mình để có thể đứng vững trong sân chơi khốc
liệt này.
EmoticonEmoticon